Ngày 15.6, Hội nghị Tăng huyết áp Việt Nam lần thứ VI được khai mạc tại TP Cần Thơ, quy tụ nhiều chuyên gia trong và ngoài nước.
Theo báo cáo, tăng huyết áp là một trong những yếu tố nguy cơ có tần suất cao nhất trong bệnh lý tim mạch, có biến chứng và tử vong lớn nhất trên thế giới cũng như tại nước ta. Đây là gánh nặng ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội toàn cầu do di chứng bệnh tật cũng như chi phí điều trị.
GS.TS Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam - thông tin, công bố của Tổ chức Tăng huyết áp Thế giới mới nhất, tăng huyết áp gây ra khoảng 10,8 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới và con số này dự kiến sẽ tăng lên do dân số toàn cầu đang gia tăng và già hóa.
Tại Việt Nam, với kết quả tầm soát của chương trình MMM từ năm 2017 đến nay đã cho thấy tỉ lệ tăng huyết áp chiếm đến 30,1% ở người trên 18 tuổi.
"Tiếp theo thành công của Hội nghị Tăng huyết áp lần thứ V được tổ chức tại Quảng Bình năm 2023, Phân hội Tăng huyết áp tiếp tục tổ chức Hội nghị Tăng huyết áp Việt Nam lần thứ VI và được các Bệnh viện Tim mạch TP Cần Thơ, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Bệnh viện Trường Đại học Y dược Cần Thơ đăng cai tổ chức" - GS.TS Huỳnh Văn Minh chia sẻ.
24 chuyên đề cùng hơn 160 báo cáo được trình bày trong 2 ngày diễn ra Hội nghị không chỉ tập trung vào tăng huyết áp, mà mở rộng loạt lĩnh vực mới, đang được quan tâm như đái tháo đường, béo phì, rối loạn chuyển hóa... các bệnh đồng mắc (như mạch vành, thận mạn, ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ...) cùng các tổn thương cơ quan đích từ tăng huyết áp (suy tim, đột quỵ não, rối loạn nhịp tim).
Ngoài ra, hội nghị cũng đề cập các phương pháp mới như di truyền học, triệt đốt giao cảm thận, siêu âm, MRI và nhóm thuốc mới.
Cũng theo GS.TS.BS Huỳnh Văn Minh, tại Việt Nam hiện có khoảng 12 triệu người mắc, tức cứ 5 người trưởng thành sẽ có một người bị tăng huyết áp. Ngoài ra, còn nhiều trường hợp chưa phát hiện hoặc chưa thể kiểm soát dù đã điều trị.