tin tức

GS.TS Huỳnh Văn Minh: 'Ai cũng có nguy cơ tăng huyết áp'
[ Cập nhật vào ngày (19/06/2024) ]

GS.TS.BS Huỳnh Văn Minh cho biết tăng huyết áp ngày càng trẻ hóa, nhiều người chưa đến 40 tuổi gặp tai biến mạch não hoặc nhồi máu cơ tim


Hội nghị tăng huyết áp Quốc gia lần 6 diễn ra ngày 14-15/6, GS.TS.BS Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam - trò chuyện với VnExpress về thực trạng tăng huyết áp và tầm quan trọng của sự kiện.

- Giáo sư có thể chia sẻ thực trạng bệnh lý tim mạch và tăng huyết áp tại Việt Nam?

- Việt Nam nằm trong nhóm có bệnh lý tim mạch và nguy cơ tử vong cao tại châu Á - Thái Bình Dương. Theo WHO, tỷ lệ tử vong các bệnh không lây nhiễm của nước ta chiếm 31%, trong đó có 178 ca tim mạch trên 100.000 người (thuộc nhóm nguy cơ cao). Đặc biệt, bệnh lý tim mạch tăng huyết áp rất cao.

Tăng huyết áp dần phổ biến và gia tăng toàn cầu. Ai cũng có nguy cơ mắc, kể cả người trẻ lẫn trẻ nhỏ. WHO ước tính thế giới hiện có khoảng 1,5 tỷ người bị tăng huyết áp, dẫn đến 9,4 triệu ca tử vong mỗi năm. Việt Nam có khoảng 12 triệu người mắc, tức cứ 5 người trưởng thành sẽ có một người bị tăng huyết áp. Ngoài ra, còn nhiều trường hợp chưa phát hiện bệnh hoặc chưa thể kiểm soát dù đã điều trị.

Tăng huyết áp vừa là bệnh lý nguyên nhân, vừa là bệnh lý phối hợp với loạt bệnh đồng mắc khác, điển hình như hội chứng chuyển hóa, đái tháo đường, béo phì, rối loạn lipid... Đó cũng là chủ đề của Hội nghị tăng huyết áp Quốc gia lần 6 - "Giao thoa tăng huyết áp với các bệnh lý tim mạch và chuyển hóa 2024".

GS.TS.BS Huỳnh Văn Minh tại hội nghị ngày 14/5. Ảnh: Xuân Linh

GS.TS.BS Huỳnh Văn Minh tại hội nghị ngày 14/6. Ảnh: Xuân Linh

- Nguyên nhân dẫn đến tăng huyết áp, biến chứng và các bệnh đồng mắc thưa giáo sư?

- Tăng huyết áp gây nhiều biến chứng ở tim, thận, não, mạch máu ngoại biên, mắt... Biến chứng quan trọng thường gặp là cơ tim thiếu máu, đột quỵ.

Thống kê gần đây cho thấy, tỷ lệ đột quỵ não do tăng huyết áp tại Việt Nam rất cao so với châu Á, hơn hẳn bệnh tim thiếu máu cục bộ. Tuy nhiên ở giai đoạn đầu, người bệnh ít có triệu chứng hoặc không đặc hiệu, khi phát hiện đã biến chứng nặng, thậm chí tử vong. Đó là lý do tăng huyết áp được mệnh danh "kẻ giết người thầm lặng".

Đáng lo ngại hiện nay là tăng huyết áp ngày càng trẻ hóa. Nhiều ca dưới 40 tuổi nhập viện vì biến chứng tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim do tăng huyết áp.

Yếu tố của tăng huyết áp gồm hai nhóm: thay đổi được (như ăn mặn, hút thuốc, rượu bia, ít tập luyện, stress tâm lý, tăng trọng, rối loạn giấc ngủ); không thay đổi được (tuổi, giới, chủng tộc).

Trong khâu dự phòng, cần tập trung chuyển dịch lối sống, tức điều chỉnh, loại bỏ các yếu tố nguy cơ thay đổi được. Bên cạnh đó, cần chú ý các bệnh đồng mắc, nhất là đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa, béo phì, rối loạn lipid, bệnh thận mạn...

Để đẩy lùi tăng huyết áp, tập trung phát hiện và điều trị tích cực bệnh lý đồng mắc như trên mới hy vọng cải thiện. Đó là lý do hội nghị chọn chủ đề tăng huyết áp và chuyển hóa.

- Mục tiêu của Hội nghị tăng huyết áp Việt Nam lần 6?

- Hội nghị diễn ra ngày 14-15/6 tại Cần Thơ, quy tụ nhiều chuyên gia trong và ngoài nước. 24 chuyên đề cùng hơn 160 báo cáo sẽ được trình bày. Chúng tôi không chỉ tập trung vào tăng huyết áp, mà mở rộng loạt lĩnh vực mới, đang được quan tâm như đái tháo đường, béo phì, rối loạn chuyển hóa và các bệnh đồng mắc (như mạch vành, thận mạn, ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ...) cùng các tổn thương cơ quan đích từ tăng huyết áp (suy tim, đột quỵ não, rối loạn nhịp tim).

Ngoài ra, Hội nghị cũng đề cập các phương pháp mới như di truyền học, triệt đốt giao cảm thận, siêu âm, MRI và nhóm thuốc mới.

Chúng tôi cũng giới thiệu các đồng thuận về tăng huyết áp của Phân hội Tăng huyết áp Việt Nam (VSH), cách đo huyết áp tại nhà, tăng huyết áp thai kỳ, triệt đốt động mạch thận lẫn khuyến cáo mới nhất về tăng huyết áp từ châu Á (HOPE Asia Network), châu Âu 2024 (ESC/ESH).

Tóm lại, hội nghị hướng đến ba thông điệp chính: tăng cường nhận thức người dân về tầm quan trọng của phòng chống tăng huyết áp lẫn nguy cơ mới về chuyển hóa tim mạch; tập trung các biện pháp mới như đo huyết áp tại nhà, thay đổi lối sống, phát hiện sớm tai biến tim mạch, tăng tuân thủ điều trị; kết nối quan hệ hợp tác trong nước và khu vực về chiến lược kiểm soát tăng huyết áp.

- Hội nghị đóng vai trò gì với quản lý tăng huyết áp trong cộng đồng?

17/5 hàng năm là Ngày Tăng huyết áp thế giới và từ 2017, chương trình "Tháng Năm đo huyết áp" (May Measurement Month, viết tắt MMM) được khởi xướng, người dân toàn cầu được đo huyết áp vào tháng 5, từ đó nâng cao cảnh báo bệnh này.

Dù áp dụng đủ thuốc, dữ liệu toàn cầu cho thấy chỉ hơn 50% số người tăng huyết áp nhận thức rõ vấn đề của họ và hơn 1/3 ca điều trị kiểm soát được huyết áp mục tiêu. Do đó, VSH, Hội Tim mạch học Việt Nam (VNHA) tập trung tầm soát sớm nhằm giảm gánh nặng và nguy cơ tim mạch do tăng huyết áp cho cộng đồng.

Hội nghị Tăng huyết áp là một trong những hoạt động nhằm đánh giá, đúc kết kinh nghiệm trong và ngoài nước về chương trình MMM. Việt Nam tham gia dự án này từ đầu, ngay lúc Covid-19 cao điểm, vẫn duy trì thực hiện và được tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Năm nay, hơn 80 quốc gia hưởng ứng chương trình. Việt Nam đặt chỉ tiêu đo huyết áp trên 20 điểm trên toàn quốc và tối thiểu 500 người được tầm soát ở mỗi tỉnh, thành.

Giáo sư tham gia talk show cùng các chuyên gia từ Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia về Điều trị tăng huyết áp không dùng thuốc. Ảnh: Xuân Linh

Giáo sư tham gia talk show cùng các chuyên gia từ Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia về "Điều trị tăng huyết áp không dùng thuốc". Ảnh: Xuân Linh

- Ông đánh giá thế nào về vai trò của y học gia đình và chăm sóc tuyến cơ sở trong mục tiêu quản lý bệnh tăng huyết áp lẫn biến chứng tim mạch kèm theo?

- Có ba nhân tố quyết định việc kiểm soát toàn diện tăng huyết áp: bệnh nhân, thầy thuốc và hệ thống y tế quốc gia.

Y học gia đình và chăm sóc ban đầu đóng góp quan trọng trong hệ thống y tế, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục, chú trọng công tác dự phòng tăng huyết áp tiên phát và thứ phát, đồng thời phối hợp điều trị cùng bác sĩ chuyên khoa tim mạch.

Quản lý tăng huyết áp theo nguyên lý y học gia đình chú trọng việc hướng dẫn, nâng cao năng lực bệnh nhân trong việc phát hiện sớm, tự theo dõi, chăm sóc và tăng tuân thủ điều trị.

Trung tâm y học gia đình, Đại học Y Dược Huế cơ sở một ra đời, đánh dấu cuộc hợp tác giữa VSH và Y học gia đình. Cơ sở hai vừa thành lập, do VSH phối hợp Bệnh viện Đại học Y Dược Cần Thơ. Bước đi này nhằm tăng cường quản lý tăng huyết áp, biến chứng liên quan theo mô hình thế giới hiện nay. Chúng ta sẽ chờ xem hiệu quả thế nào.

- Giáo sư có thể chia sẻ thêm một số khuyến cáo về quản lý huyết áp tại nhà?

- Những năm gần đây, Hội Tim mạch Mỹ (ACC), châu âu (ESC) và một số nước châu Á đưa ra khuyến cáo độc lập về đo huyết áp tại nhà. Tại Việt Nam, kỹ thuật này được đưa đề cập trong khuyến cáo VSH 2018, nhưng chỉ được xem là cách giúp xác định huyết áp lồng ghép, hiệu quả và tác động chưa cao.

Đợt này, khuyến cáo đo huyết áp tại nhà 2024 sẽ công bố tại hội nghị ngày 14-15/6, nhấn mạnh tầm quan trọng và định hướng trong quản lý tăng huyết áp.

- Lợi ích của đo huyết áp tại nhà?

- Đo tại nhà có thể hỗ trợ kiểm soát tăng huyết áp, khiến bệnh nhân tuân thủ điều trị, gắn bó với thầy thuốc, đồng thời giúp phát hiện nhiều thể mới như áo choàng trắng hay ẩn giấu. Ngoài ra, cách thức này còn đánh giá hiệu quả của liệu pháp điều trị, chỉnh liều thuốc hạ áp và chẩn đoán tăng huyết áp trong thai kỳ.

VSH sẽ cập nhật, phổ biến kỹ cho các bác sĩ, nhân viên y tế kỹ thuật đo chính xác huyết áp tại nhà ở hội nghị lần này.

Lưu ý, cần hiểu đúng khái niệm đo huyết áp tại nhà: phải để bệnh nhân tự đo (self-measurement), không cần nhân viên y tế hay người nhà giúp như thường thấy. Do đó, trị số chẩn đoán tăng huyết áp tại nhà thường thấp hơn ở phòng khám (135/85 mmHg thay vì 140/90 mmHg) và máy đo thường là tự động hoặc bán tự động.

Cần theo dõi hướng dẫn cách đo của VSH để tránh sai sót. Bệnh nhân không được tự quyết định kết quả, mà phải ghi chú lại để bác sĩ tư vấn, chỉ cách xử lý.

Theo GS.TS Huỳnh Văn Minh, không phải cứ đo huyết áp đại là được mà cần có quy trình, hướng dẫn chặt chẽ. Ảnh: B.Well

Đo huyết áp với dụng cụ tại nhà. Ảnh: B.Well

- Cần lưu ý gì khi chọn máy đo huyết áp tại nhà, nhất là người lớn tuổi?

- Chọn máy đo huyết áp phù hợp rất quan trọng. Các tổ chức quốc tế và VSH khuyến cáo nên ưu tiên dòng thuộc danh sách máy đo huyết áp có nhãn mác, đã được xác nhận.

Hiện thị trường có nhiều dòng hỗ trợ các tính năng đặc biệt như màn hình to, màn hình đổi màu (giúp nhận biết và cảnh báo tăng huyết áp), hoặc máy đo huyết áp báo kết quả bằng giọng nói cho người lớn tuổi. Dù chưa được khuyến cáo chính thức, tôi cho rằng các máy này nên được khuyến khích, theo dõi đánh giá để có thể áp dụng rộng rãi.




Hiếu Châu Theo https://vnexpress.net/gs-ts-huynh-van-minh-ai-cung-co-nguy-co-tang-huyet-ap-4758178.html#:~:text=H%E1%BB%99i%20ngh%E1%BB%8B%20t%C4%83ng%20huy%E1%BA%BFt%20%C3%A1p,huy%E1%BA%BFt%20%C3%A1p%20t%E1%BA%A1i%20Vi%E1%BB%87t%20Nam%3F

  In bài viết



Copyright © 2023 Phân hội Tăng huyết áp Việt Nam. All right Reserved